Thông cáo báo chí về tình hình cháy 6 tháng đầu năm 2024
Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra 2.222 vụ cháy, làm chết 57 người, bị thương 45 người, thiệt hại về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền khoảng 127,9 tỷ đồng; xảy ra 125 vụ cháy rừng làm thiệt hại 529 ha rừng.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an các địa phương đã xuất 10.266 lượt phương tiện cùng 46.473 lượt CBCS trực tiếp cứu chữa 2.248 vụ cháy và CNCH; trực tiếp cứu được 232 người và hướng dẫn hàng trăm người bị mắc kẹt trong các đám cháy ra nơi an toàn, di chuyển và và cứu được một lượng tài sản trị giá hơn 75,2 tỷ đồng trong các vụ cháy; cứu được 362 người, tìm được 384 thi thể trong các vụ sự cố, tai nạn. Lực lượng tại chỗ và nhân dân dập tắt 555/2.222 vụ cháy.
Qua phân tích, đánh giá tình hình cháy cho thấy:
So với cùng kỳ năm 2023, số vụ cháy tăng 361 vụ (+19,4%; 2.222/1.861 vụ), số người chết tăng 14 người (+32,6%; 57/43 người), người bị thương không tăng, không giảm, tài sản giảm 71,9 tỷ đồng (-36,1%; 127,9/199,89 tỷ đồng.
Cháy chủ yếu xảy ra tại khu vực thành thị với 1.343 vụ (chiếm 60,4%), nông thôn xảy ra 879 vụ (chiếm 39,6%). Trong đó cháy tại loại hình nhà dân vẫn chiếm tỷ lệ cao nhật với 37% (823 vụ); vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh chiếm 12,2% (271 vụ). Các loại hình khác, mỗi loại hình đều chiếm tỷ lệ dưới 10%.
Trong số 1.299/2.222 vụ cháy đã được điều tra làm rõ nguyên nhân thì cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm tới 72,9% (948/1.299 vụ); do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt chiếm 18,3% (238/1.299 vụ). Các nguyên nhân khác mỗi nguyên nhân đều chiếm dưới 10%.
Cháy lớn xảy ra 18 vụ chủ yếu tập trung tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh ở các thành phố lớn. Cháy lơn tuy không gây thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại về tài sản lên tới 72,1 tỷ đồng.
Xảy ra 28 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người (trong đó, nhà ở riêng lẻ xảy ra 14/28 vụ, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh xảy ra 06/28 vụ; 08/28 vụ cháy loại hình khác), làm chết 57 người, làm bị thương 13 người.
Trong 06 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham mưu lãnh đạo Bộ tiếp tục chỉ đạo Công an các địa phương thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg và các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg; tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trong công tác PCCC và CNCH; tập trung làm tốt công tác điều tra cơ bản, phân loại, đánh giá mức độ an toàn PCCC các cơ sở; triển khai các chuyên đề an toàn PCCC với các công trình xây dựng không phép, sai phép, rừng, nhà chung cư, nhà trọ, nhà nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao… Đôn đốc, hướng dẫn và thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH theo đúng quy định.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phối hợp cùng các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương xây dựng, đăng phát 31.192 phóng sự, tin bài; phát hành 1.707.050 tờ rơi, tài liệu, khuyến cáo. Tuyên truyền miệng 30.380 buổi thu hút 2.249.381 lượt người nghe; tổ chức 2.963 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC với 174.514 học viên; xây dựng 49.362 “Tổ liên gia an toàn PCCC”, 57.421 “Điểm chữa cháy công cộng”. Xây dựng mới 12 đội dân phòng với 80 thành viên, 2.135 đội PCCC cơ sở với 13.413 thành viên; củng cố 10.558 đội dân phòng với 108.381 thành viên, 39.899 đội PCCC cơ sở với 260.576 thành viên, 154 đội PCCC chuyên ngành với 4.025 thành viên; xây dựng mới 2.176 mô hình phong trào toàn dân PCCC và CNCH.
Tổ chức kiểm tra an toàn PCCC 424.295 lượt cơ sở; lập 13.146 biên bản vi phạm hành chính; phát hiện, kiến nghị khắc phục 116.661 tồn tại, thiếu sót; xử phạt vi phạm hành chính 11.676 trường hợp với tổng số tiền trên 43 tỷ đồng, phát cảnh cáo 124 trường hợp, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 279 trường hợp; tạm đình chỉ 1.279 trường hợp; đình chỉ hoạt động 1.677 trường hợp, phục hồi hoạt động 501 trường hợp. Ra quyết định khởi tố vụ án 21 vụ, 08 vụ ra quyết định khởi tố bị can (08 bị can)… Về xử lý công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng: Đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 3.621 công trình, ra quyết định tạm đình chỉ/đình chỉ hoạt động đối với 2.539 lượt hạng mục công trình và công trình. Đã tổ chức thẩm định và cấp 7.048 giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC, 5.888 văn bản nghiệm thu về PCCC, 2.807 góp ý thiết kế cơ sở, góp quy hoạch, kiến nghị thẩm duyệt PCCC, 300 văn bản chấp thuận địa điểm xây dựng. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã xây dựng 5.273 phương án chữa cháy của cơ quan Công an, 4.024 phương án CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; tổ chức thực tập 4.625 phương án chữa cháy của cơ quan Công an; 452 phương án chữa cháy khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao; 3.519 phương án CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Hướng dẫn xây dựng 27.854 phương án chữa cháy của Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện và 14.283 phương án CNCH của cơ sở; hướng dẫn tổ chức thực tập 70.321 phương án chữa cháy của cơ sở và 36.497 phương án CNCH của cơ sở. 17 Công an địa phương đã đăng tải công khai bổ sung 1.680 công trình vi phạm về PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Đối chiếu với mục tiêu, yêu cầu của 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, đóng góp tích cực vào công tác an ninh, trật tự, an sinh xã hội và sự nghiệp phát triển đất nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PCCC và CNCH vẫn còn những tồn tại, hạn chế như sau:
Tình hình cháy, nổ trong 06 tháng đầu năm 2024 diễn biến phức tạp, số vụ cháy tập trung tại các khu công nghiệp, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ sở tập trung đông người (chung cư mini, nhà trọ...). Đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người; các vụ cháy có nguyên nhân từ sự cố thiết bị điện (sau công tơ) tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Công tác chỉ đạo hướng dẫn của một số Bộ, ngành, UBND địa phương còn mang tính hình thức, chưa triển khai quyết liệt, triệt để; một số nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương còn chậm so với tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị 01/CT-TTg.
Một số lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác PCCC và CNCH; một số nơi còn buông lỏng trong quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm, dẫn đến phát sinh nhiều công trình cơ sở vi phạm. Trong đó, tồn tại nhiều công trình vi phạm, xây dựng không phép, trái phép, không đủ điều kiện về an toàn PCCC nhưng vẫn hoạt động, đặc biệt là đối tượng nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, tự cải tạo, thay đổi công năng từ nhà ở sang nhà vừa để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, không tuân thủ các quy định về an toàn PCCC.
Việc xử lý các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC được đưa vào sử dụng trước Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực gặp khó khăn. Nhiều công trình đã quá cũ, không thể cải tạo, sửa chữa, nhiều công trình đã bố trí để di dời nhưng người dân không chấp hành. Một số địa phương còn chậm triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về xử lý cơ sở theo Điều 63a Luật PCCC, ngoài ra, một số địa phương phát sinh thêm 725 cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC được đưa vào sử dụng trước Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực…
Phương tiện phục vụ công tác PCCC và CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn và triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị, Kế hoạch của Đảng, Chính phủ và Bộ Công an trong công tác PCCC và CNCH. Trọng tâm, tham mưu Bộ Công an tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg, Chỉ thị 19/CT-TTg và các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về công tác PCCC và CNCH; hướng dẫn, chỉ đạo Công an các địa phương tham mưu UBND cấp tỉnh báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội; tham mưu Bộ Công an báo cáo Chính phủ, Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 năm 2024…
Tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ, Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua dự án Luật PCCC và CNCH tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV; sửa đổi một số Thông tư của Bộ Công an về PCCC; xây dựng các các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC và CNCH.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức kỹ năng về PCCC và CNCH. Xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH ở cơ sở rộng khắp, chất lượng, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng 02 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” phát huy hiệu quả công tác bảo đảm an toàn PCCC tại khu dân cư. Tiếp tục phối hợp Công an thành phố Hà Nội, Công an thành phố Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Nam Định tổ chức triển khai hoạt động trung tâm trải nghiệm cộng đồng về công tác PCCC và CNCH. Xây dựng và tổ chức Chương trình truyền hình “Chúng tôi là chiến sĩ PCCC và CNCH” năm 2024.
Tiếp tục xử lý cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực, đăng tải công đăng tải thông tin toàn bộ các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng; tập trung triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; tổ chức điều tra, xử lý vi phạm quy định về PCCC; tăng cường công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và CNCH; tổ chức chữa cháy, CNCH kịp thời các vụ cháy, nổ, CNCH xảy ra.
Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của Công an các cấp PCCC và CNCH, nhất là tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm, có nguy cơ cháy, nổ, cháy rừng, sự cố, tai nạn. Thực hiện nghiêm túc việc giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH theo đúng thủ tục, trình tự, quy trình, quy định. Tổ chức điều tra, làm rõ, kết luận nguyên nhân các vụ cháy; xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra cháy để xử lý nghiêm minh trước pháp luật…
Tổ chức triển lãm và hội nghị Quốc tế về kỹ thuật, thiết bị an ninh, an toàn, PCCC Việt Nam năm 2024.
Tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành tổ chức hướng dẫn các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC cho các tổ chức, doanh nghiệp; thanh tra, kiểm tra đối với karaoke, vũ trường; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về sử dụng điện (sau công tơ) để bảo đảm an toàn PCCC tại các cơ sở, hộ gia đình; xây dựng tiêu chuẩn về PCCC rừng; sửa đổi, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia đối với tàu cá có liên quan đến PCCC.
Tăng cường công tác kiểm tra thường trực sẵn sàng sẵn sàng chữa cháy và CNCH; chủ động lực lượng phương tiện tổ chức chữa cháy, CNCH hiệu quả các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra. Biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác PCCC và CNCH...
CỤC CẢNH SÁT PCCC VÀ CNCH
(nguồn:https://canhsatpccc.gov.vn/ArticlesDetail/tabid/193/cateid/1172/id/22793/language/vi-VN/Default.aspx)