Công nghệ hình ảnh BLC, WDR, HLC của hệ thống camera giám sát
Không khó để thấy các hình ảnh được chụp bởi camera giám sát trong điều kiện ngược ánh sáng thường có một phần rất tối nhưng một phần khác lại rất sáng, đến mức không thể nhìn rõ bất kì chi tiết nào. Vì vậy, để hệ thống camera giám sát thu được hình ảnh, video rõ ràng và hài hòa nhất, tính năng chống ngược sáng trên camera được phát triển với các công nghệ hình ảnh như BLC, WDR, HLC.
Cùng theo dõi những chia sẻ dưới đây để hiểu hơn về công nghệ hình ảnh BLC, WDR, HLC của hệ thống camera giám sát.
Bạn biết gì về công nghệ hình ảnh BLC, WDR, HLC
BLC là gì?
BLC tên đầy đủ là BackLight Compensation hay còn gọi là bù sáng. Công nghệ hình ảnh này cho phép tăng độ sáng cho những vùng tối trên hình ảnh và video. Thông thường, cảm biến của camera sẽ đo lường ánh sáng trên toàn bộ khung hình, công nghệ BLC sẽ tăng sáng toàn bộ khung hình giúp nhìn rõ hình ảnh phần tiền cảnh.
WDR là gì?
WDR tên đầy đủ là Wide Dynamic Range – một tính năng tự động cân bằng vùng sáng và vùng tối sao cho hình ảnh hiển thị được hài hòa và rõ nét nhất.
Các dòng camera giám sát có hỗ trợ công nghệ hình ảnh WDR có khả năng nhận biết mức độ ánh sáng từng vùng. Từ đó cân bằng hình ảnh, ánh sáng để cho hình ảnh đẹp và rõ ràng hơn so với camera không có sự hỗ trợ của WDR.
HLC là gì?
HLC tên đầy đủ Highlight Compensation là tính năng giúp giảm bớt ánh sáng, nhất là những vùng sáng chói trên hình ảnh. Khi có ánh sáng mạnh chiếu thẳng về hướng camera, tính năng này sẽ tự động nhận dạng và giảm sáng tại khu vực nguồn sáng, đảm bảo quan sát được khu vực xung quanh giúp hình ảnh đỡ chói và rõ ràng hơn.
Ứng dụng điểm của BLC, WDR, HLC trong camera giám sát
Mỗi công nghệ hình ảnh chống ngược sáng đều có những ưu điểm và hiệu quả riêng. Vì vậy, việc lựa chọn camera sử dụng công nghệ hình ảnh nào phụ thuộc vào nhu cầu và mục đích sử dụng của người tiêu dùng.
Ứng dụng của công nghệ hình ảnh BLC
Công nghệ hình ảnh BLC giúp tăng sáng toàn bộ khung hình trong môi trường có ánh sáng chiếu hậu, giúp nhìn rõ phần tiền cảnh và duy trì độ sáng của chuỗi hình ảnh tổng thể. BLC thường hiệu quả ở một số khu vực cụ thể. Tuy nhiên, BLC đôi khi làm phần hậu cảnh bị quá sáng.
Các camera ứng dụng công nghệ BLC chắc chắn là một sự lựa chọn tuyệt vời khi lắp đặt tại các khu vực thiếu sáng như sân sau, hẻm, ngõ nhỏ.
Ứng dụng của công nghệ hình ảnh WDR
Công nghệ hình ảnh WDR giúp tăng sáng tại các vị trí thiếu sáng, đồng thời giảm sáng tại các vị trí quá sáng. Từ đó, giúp cân bằng ánh sáng để người dùng nhìn rõ được cả phần tiền cảnh và hậu cảnh. Công nghệ WDR thường được sử dụng trong môi trường ngược sáng như hành lang, quầy giao dịch.
Công nghệ WDR được sử dụng rộng rãi trong nhiều camera giám sát, dòng Analog và IP. Vì được lắp trong nhiều điều kiện môi trường với độ tương phản, ánh sáng khác nhau, công nghệ WDR sẽ giúp camera cân bằng sáng một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt là tại các bãi đỗ xe có ánh sáng mặt trời khá gắt tại lối vào, công nghệ WDR ứng dụng tốt trong việc nhận diện biển số xe.
Ứng dụng của công nghệ hình ảnh HLC
Công nghệ HLC thường được sử dụng để giảm phơi sáng tại các vị trí có ánh sáng mạnh như đèn pha, đèn rọi và thường được lắp đặt tại các hệ thống giám sát giao thông CCTV, đường cao tốc,…
Nhìn chung, các công nghệ hình ảnh BLC, WDR, HLC được phát minh nhằm hỗ trợ camera an ninh ghi được hình ảnh, video rõ ràng hơn ngay cả trong điều kiện ánh sáng bất lợi. Tuy nhiên, dù có sự hỗ trợ của các công nghệ hình ảnh trên, người dùng vẫn nên chú ý vị trí lắp đặt camera phù hợp với khung cảnh, đảm bảo chất lượng hình ảnh.